Ngành Khoa học dữ liệu trực thuộc Bộ môn Khoa học máy tính, là ngành đào tạo đại học trình độ chính quy, với thời gian đào tạo là 4 năm. Tổng số tin chỉ được học là 141 tín chỉ, trong đó lý thuyết chiếm 92 tín chỉ và thực hành, thực tế chiếm 49 tín chỉ.
Khoa học dữ liệu là khoa học về việc quản trị và phân tích dữ liệu, trích xuất các giá trị từ dữ liệu để tìm ra các hiểu biết, các tri thức hành động, các quyết định dẫn dắt hành động. Khoa học dữ liệu gồm có ba phần chính: Tạo ra và quản trị dữ liệu, phân tích dữ liệu và chuyển kết quả phân tích thành giá trị của hành động. Việc phân tích và dùng dữ liệu lại dựa vào ba nguồn tri thức: toán học (thống kê toán học), công nghệ thông tin (máy học) và tri thức của lĩnh vực ứng dụng cụ thể. Khoa học dữ liệu sẽ yêu cầu thực hiện các quan sát, đặt câu hỏi, hình thành các giả thuyết, tạo các bài kiểm tra, phân tích kết quả và đưa ra một khuyến nghị thực tế. Chính vì vậy mà mục đích chính của Khoa học dữ liệu là biến đổi một lượng lớn dữ liệu chưa qua xử lý, làm thế nào để định vị được thành mô hình kinh doanh, từ đó giúp đỡ các tổ chức tiết giảm chi phí, gia tăng hiệu quả làm việc, nhìn nhận cơ hội, rủi ro trên thị trường và làm gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Các lĩnh vực của khoa học dữ liệu gồm: Khai thác dữ liệu (Data mining), Thống kê (Statistic), Học máy (Machine learning), Phân tích (Analyze) và Lập trình (Programming).
Với ngành Khoa học dữ liệu, sinh viên sẽ được trang bị khối kiến thức nền tảng vững chắc về quản lý, xử lý và phân tích dữ liệu lớn; kiến thức chuyên ngành sâu và rộng về khoa học dữ liệu và hệ thống thông tin; các kiến thức về hội nhập, khởi nghiệp cũng như tham gia các khóa học bồi dưỡng để nắm bắt các xu hướng công nghệ mới. Song song đó, các bạn còn được rèn luyện những kỹ năng mềm cần thiết để phục vụ cho công việc sau này.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có đầy đủ kiến thức và kỹ năng để giải quyết vấn đề, phân tích, tối ưu và thiết kế các hệ thống thông tin thông qua việc phân tích dữ liệu lớn; Có khả năng thiết kế, phát triển và tích hợp hệ thống thông tin cho các ứng dụng kỹ thuật liên quan đến phân tích dữ liệu lớn; Có khả năng giải quyết các vấn đề liên ngành về kỹ thuật, xã hội, chính trị và kinh tế.
Sinh viên ngành Khoa học dữ liệu sẽ được trang bị khối kiến thức nền tảng về quản lý, xử lý và phân tích dữ liệu lớn. Người học còn được trang bị kiến thức chuyên ngành sâu về khoa học dữ liệu và hệ thống thông tin; nắm bắt các kiến thức về hội nhập, khởi nghiệp, các xu hướng công nghệ mới. Song song đó, các bạn còn được rèn luyện những kỹ năng mềm cần thiết để phục vụ cho công việc sau này.
Sau khi tốt nghiệp ngành Khoa học dữ liệu, sinh viên có nhiều lựa chọn công việc khác nhau như:
- Làm công việc nghiên cứu, sáng tạo dữ liệu cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế,…
- Ứng dụng khoa học dữ liệu vào lĩnh vực kinh doanh, marketing,…
- Nhà phát triển dữ liệu tập trung vào các mảng viết hoặc sử dụng phần mềm phân tích, thống kê, lựa chọn mô hình xử lý dữ liệu;
- Nhà nghiên cứu dữ liệu áp dụng các kỹ năng khoa học với công cụ và kỹ thuật số liệu;
- Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng hay các cơ sở đào tạo ngành Khoa học dữ liệu.
Với nhiều vị trí công việc khác nhau, sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học dữ liệu có thể làm việc trong nhiều môi trường khác nhau. Các bạn sinh viên có thể làm việc tại các công ty, tập đoàn về viễn thông, phần mềm. Bộ phận IT, quản trị dữ liệu tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, cơ quan nhà nước, ngân hàng. Đặc biệt với thế mạnh về ngoại ngữ, kỹ sư Khoa học dữ liệu còn có nhiều cơ hội làm việc tại các công ty đa quốc gia, thậm chí làm việc tại các doanh nghiệp ở nước ngoài. Ngành Khoa học dữ liệu đòi hỏi kiến thức sâu rộng, chính xác nên việc chọn cho mình một chương trình đào tạo chuẩn và uy tín là điều rất cần thiết.
Khoa học dữ liệu là một ngành khoa học không ngừng hoàn thiện và phát triển.Vì vậy, cơ hội nghề nghiệp không chỉ lớn mà còn rất nhiều. Vị trí và chức danh trong ngành này phụ thuộc vào cơ cấu tổ chức và đặc thù từng công ty. Sinh viên Khoa học dữ liệu sau khi ra trường, sẽ có cơ hội trở thành:
Data Analyst – chuyên gia phân tích dữ liệu. Đây được coi là vị trí “nhập môn” trong lĩnh vực data science. Thông thường, vị trí này được dành cho sinh viên chuyên ngành mới ra trường hoặc các “tân binh” trong ngành khoa học dữ liệu và được coi là bước đà để tiến tới những vị trí cao hơn hoặc sâu hơn.
Hoặc sẽ trở thành Data Scientist – Nhà khoa học dữ liệu. Các nhà khoa học dữ liệu làm khá nhiều công việc giống như các nhà phân tích dữ liệu nhưng ở tầm cao hơn với một cái nhìn tổng quan hơn, chịu trách nhiệm đưa ra những kết luận mang tính quyết định hơn. Họ cần có một lượng kiến thức lớn cả về chiều sâu lẫn bề rộng, không chỉ ở chuyên môn của mình mà cả kiến thức tổng quan. Bên cạnh đó, họ cần có cả những kỹ năng cần thiết để tương tác với các bộ phận liên quan.
Và có thể trở thành Data Engineer – Kỹ sư dữ liệu. Đây là những người phụ trách xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng cần thiết (về mặt công nghệ) để phục vụ công việc nghiên cứu và ứng dụng dữ liệu của các bên liên quan. Công việc này đòi hỏi ít kỹ năng phân tích thống kê hơn so với vị trí data scientist hay data analyst, nhưng cần nhiều kỹ năng lập trình và phát triển phần mềm hơn.
Hãy trở thành sinh viên của ngành Khoa học dữ liệu ngay hôm nay.